Hòa Phát với miền Trung ruột thịt
Tiếp nối 2 đợt cứu trợ trước đó, đoàn cứu trợ gồm 10 người (cả lái xe), trưởng đoàn là ông Tạ Tuấn Quang – Ủy viên Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Điện lạnh Hòa Phát đã tích cực triển khai xuống các xã Hương Thọ, Hương Minh và Đức Bồng (huyện Vũ Quang – Hà Tĩnh) và xã Hương Hóa, Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa – Quảng Bình). Đây là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hai đợt lũ lịch sử vừa qua. Với tinh thần “Tất cả vì miền Trung ruột thịt”, các thành viên trong đoàn đã được quán triệt rằng đây là nhiệm vụ chính trị mà lãnh đạo và CBCNV Tập đoàn tin tưởng giao phó, vì vậy phải làm hết trách nhiệm, bằng mọi giá phải trao quà đến tận tay các gia đình bị thiệt hại do lũ lụt. Hành trình của đoàn bắt đầu từ 8h30’ sáng ngày 4/11 tại Tổng kho Thanh Trì – Hà Nội. Ai nấy đều rất phấn chấn vì sắp được đến với bà con các tỉnh gặp thiên tai. Một xe 7 chỗ và xe tải chứa đầy hàng cứu trợ khẩn trương lên đường. Có đoạn, xe tải hàng và các thành viên khác đã bị lạc nhau khi qua huyện Hương Sơn vì trời tối. Tuy nhiên đến 22h30 cả xe hàng và đoàn đã có mặt tại trung tâm huyện Vũ Quang.
Ông Tạ Tuấn Quang (thứ 2 từ phải qua) trao quà tượng trưng cho lãnh đạo huyện Vũ Quang
Sáng ngày 5/11 đoàn làm việc với lãnh đạo UBND, UBMTTQ huyện Vũ Quang và Đài truyền hình Hà Tĩnh. Tại buổi làm việc, ông Tạ Tuấn Quang – trưởng đoàn phát biểu: “ Được tin đồng bào Hà Tĩnh, Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề do 2 đợt lũ lịch sử, Tập đoàn Hòa Phát đã kịp thời cứu trợ trực tiếp đợt 1 là 300 triệu đồng, đợt 2 gồm hàng hóa, quần áo, sách vở thông qua Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam. Và đây là đợt 3 Tập đoàn phát động phong trào ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt trong toàn thể CBCNV. Với tinh thần tự nguyện mỗi người đóng góp ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương. Sau tuần lễ phát động, số tiền CBCNV Tập đoàn quyên góp được là 700 triệu đồng và nhiều loại quần áo, nhu yếu phẩm khác. Riêng cá nhân ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Đình Long đã ủng hộ 100 triệu đồng. Đây là tấm lòng của CBCNV Tập đoàn Hòa Phát nhằm chia sẻ những khó khăn tổn thất với đồng bào bị lũ lụt và mong muốn bà con sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Đăng Kỷ - Phó Chủ tịch huyện Vũ Quang cho biết huyện mới được thành lập từ năm 2000, bao gồm các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ông Trần Bình Lâm – Chủ tịch UBMTTQ huyện đã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc với Tập đoàn Hòa Phát vì đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp nhân dân địa phương khắc phục khó khăn sau lũ. Sau khi thống nhất lịch trình, huyện đã cử ông Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch UBMTTQ và phóng viên cùng đoàn xuống xã.
Lần lượt các gia đình ký nhận quà cứu trợ của Hòa Phát
8h30’ ngày 5/11, đoàn có mặt tại xã Hương Thọ. Ông Nguyễn Đức Lộc – Chủ tịch mặt trận xã cho biết, “Xã chúng tôi hầu như chìm trong nước trong đợt lũ vừa qua, nhất là xóm 10 và xóm 11. Nước ngập hết nóc nhà, thóc gạo, gia súc gia cầm bị cuốn trôi… Chúng tôi rất cảm kích trước tấm lòng “tương thân tương ái” của tập thể CBNV Tập đoàn Hòa Phát”. 140 suất quà, mỗi suất gồm 10kg gạo và 600 ngàn đồng cùng các nhu yếu phẩm khác đã nhanh chóng được trao tận tay 140 hộ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bên cạnh đó đoàn cũng trao 20 triệu đồng tiền mặt cho lãnh đạo xã. Ông Nguyễn Văn Khánh – Bí thư đảng ủy xã cam kết sẽ sử dụng số tiền này theo đúng nguyện vọng của đoàn là để khắc phục các công trình công cộng, đường xá và trường học. Sau đó, đoàn đến thăm và trao 5 triệu đồng, 800 vở học sinh, 400 chiếc bút bi và 200 chiếc bút chì cho trường tiểu học Hương Thọ. Đây là trường bị thiệt hại lớn nhất trong xã. Trường bị ngập sâu, toàn bộ đồ dùng học sinh, sách vở bị lũ cuốn đi hết. Bàn ghế, tủ tài liệu của thày trò cũng bị hư hỏng nặng.
Thiết bị giảng dạy, đồ dùng học sinh của trường tiểu học Hương Thọ đã bị hư hỏng nặng
Ông Tạ Tuấn Quang cùng đại diện MTTQ huyện đã đi thăm hỏi động viên một số gia đình trong xã. Trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hồng, xóm 10 xã Hương Thọ và nhiều người khác, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân nơi đây. Bà Hồng cho biết, gia đình bà có 2 người thì đều đã trên 70 tuổi. Một thì bị bệnh tim, một thì bị triệu chứng thần kinh. Lũ đã cuốn hết gạo và đồ dùng trong nhà, bây giờ không còn gì để ăn. Thứ duy nhất mà 2 bà có lúc này là chiếc thùng đựng nước. Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa cũng hoàn cảnh không kém. Anh chị và 4 người con bị lũ làm hỏng nhà, cuộc sống gia đình chị hiện chỉ trông chờ vào hàng cứu trợ….
Tặng quà tại xã Hương Minh
Điểm tiếp theo mà đoàn đặt chân tới là xã Hương Minh. Ông Tạ Tuấn Quang chia sẻ: “Được tin bà con nơi đây phải trải qua lũ lịch sử, đời sống vô vàn khó khăn, Tập đoàn Hòa Phát đã phát động quyên góp và cử đoàn vào trao tận tay cho đồng bào. Hy vọng rằng chính quyền và nhân dân Hương Minh sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”. Ông Đoàn Hữu Thước – Chủ tịch xã gửi lời cảm ơn chân thành tới Tập đoàn Hòa Phát và cá nhân ông Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đã quan tâm chia sẻ những đau thương mất mát mà địa phương phải gánh chịu bởi lũ lụt. Giống như xã Hương Thọ, đoàn đã trao 20 triệu đồng cho xã khắc phục đường xá, trường trạm, đồng thời trao tận tay cho 140 gia đình, mỗi nhà 10kg gạo và 600 ngàn đồng cùng quần áo. Sau đó, đoàn vào thăm, tặng quà tại trường tiểu học Hương Minh – nơi 152 em học sinh đã phải nghỉ học hơn nửa tháng vì lũ lớn. Ông Quang đã trao 5 triệu đồng và 1200 cuốn vở học sinh, 400 bút bi và 200 bút chì cho chị Lê Thị Bích Thảo – Hiệu trưởng trường Tiểu học Hương Minh. Chị Thảo thay mặt ban giám hiệu nhà trường cảm ơn tấm lòng của CBCNV Hòa Phát. “Món quà này sẽ là động lực giúp các cháu học sinh của chúng tôi cố gắng đến trường, học tập tốt hơn”, chị Thảo nói.
11h ngày 5/11, đoàn bắt đầu di chuyển sang xã Đức Bồng. Nước lũ đã rút từ nhiều ngày trước nhưng ai cũng có thể nhìn thấy rõ ngấn nước trên vách tường nhà, rong rêu, rác,…mắc trên cây cối trong vườn. Đâu đâu cũng chỉ là cảnh sơ xác, tiêu điều. Toàn xã có 836 hộ thì có đến 520 hộ bị chìm sâu trong nước. Nhờ các lãnh đạo xã đã quyết liệt sơ tán dân đến nơi an toàn nên không có thiệt hại về người. Các suất quà như 2 xã kể trên đã được trao trực tiếp cho chính quyền và 140 hộ dân Đức Bồng. Ông Nguyễn Hữu Nghị - Chủ tịch MTTQ xã cho biết, ông rất cảm động trước tấm lòng vàng của Hòa Phát. Tiếp đó, đoàn vào thăm và tặng quà trường THCS Đức Bồng. Thày Nguyễn Căn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, lũ lên quá nhanh, lực lượng mỏng lại chủ yếu là giáo viên nữ nên không thể cứu được tài sản. Toàn bộ trang thiết bị giảng dạy, thư viện bị hư hại hoàn toàn. Ông Quang đại diện đoàn tặng 1800 cuốn vở học sinh, 400 chiếc bút bi và 5 triệu đồng tiền mặt cho ban giám hiệu nhà trường.
Nhiều gia đình tại xã Đức Bồng bị lũ tàn phá nhà cửa. Nhà anh Xuân - chị Thanh là một tiêu biểu
Theo bước anh Lê Văn Ngọ - trưởng thôn 2, xã Đức Bồng, chúng tôi chứng kiến không ít gia đình bị lũ cuốn phăng cả nhà. Tại gia đình anh Nguyễn Viết Xuân, đoàn chứng kiến toàn bộ căn nhà đã bị hư hỏng nặng, tường phía sau bị đổ hoàn toàn. Vợ chồng anh phải mắc bạt tạm để ở. Đáng thương hơn, theo lời chị Trần Thị Thanh – vợ anh Xuân, con gái thứ hai của anh chị mắc bệnh tim bẩm sinh, vừa mổ xong. Gia đình đang hết sức khó khăn. Ông Quang đã tận tình thăm hỏi tình trạng sức khỏe của cháu và trao 2 triệu đồng cho chị Thanh. Ngay gần nhà chị Thanh là nhà cụ Nguyễn Thị Tính, 76 tuổi bị lũ tàn phá, hiện chỉ còn trơ lại mấy cọc nhà. Chuồng trại, lợn gà cũng theo lũ mà đi. Gần tháng trời sống chung với lũ, cụ cùng vợ chồng con trai cả và 2 cháu nhỏ phải sống trên gác xép tự tạo sát mái nhà, rộng chừng 7m2. Trước tình cảnh éo le đó, đoàn đã tặng cụ Tính 1 triệu đồng và mong cụ luôn khỏe mạnh, sớm cùng con cháu gây dựng lại căn nhà.
Ông Tạ Tuấn Quang trao quà cho cụ Tính. Phía sau là căn nhà lá chỉ còn lại cọc siêu vẹo
Đoàn kết thúc hoạt động cứu trợ tại huyện Vũ Quang bằng chuyến thăm tới trường THCS Phan Đình Phùng (trước là THCS Hương Minh). Theo giới thiệu của thày Nguyễn Bảo Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường, đây là trường đúng tiêu chuẩn đầu tiên sau 10 năm thành lập huyện. Thày Ngọc cho biết, hầu như toàn bộ bàn ghế học sinh, tủ tài liệu đều là hàng nội thất Hòa Phát. Thay mặt đoàn, ông Quang chia sẻ những thiếu thốn của trường và tặng 20 triệu đồng, 1400 cuốn vở học sinh giúp trường có thêm điều kiện trang bị đồ dùng cho thày và trò. Đoàn cũng ủng hộ 24 thày cô của trường có nhà bị ngập nặng, mỗi người 300 ngàn đồng.
Tại Quảng Bình, sáng ngày 6/11/2010, đoàn thăm và tặng quà cho 2 xã vùng biên giới giáp Lào là Hương Hóa và Thanh Hóa, thuộc huyện Tuyên Hóa. Riêng xã Hương Hóa, các lãnh đạo xã đã đề nghị đoàn chia đôi phong bì cho mỗi gia đình và tiền hỗ trợ các công trình phúc lợi công cộng của xã để tặng thêm 100 suất so với số lượng cứu trợ ban đầu. Đây là con số phát sinh không nhỏ, nhưng khi tận mắt thấy những mất mát của nhân dân trong xã, ông Tạ Tuấn Quang đã quyết định giữ nguyên số quà ban đầu cho nhân dân: 140 suất gồm 10kg gạo, 600 ngàn đồng; tặng thêm 100 suất quà, mỗi suất 600 ngàn đồng, thêm vào đó là 10 triệu đồng ủng hộ xã khắc phục đường xá cầu cống. Tổng giá trị ủng hộ xã này lên tới hơn 170 triệu đồng. Trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBMTTQ huyện Tuyên Hóa và báo đài địa phương, 240 suất quà đã lần lượt được trao cho các gia đình. Thay mặt chính quyền và nhân dân Hương Hóa, ông Trương Quang Thân – Chủ tịch xã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới CBCNV Tập đoàn Hòa Phát. Ông Thân cho biết thêm: “Chúng tôi đã đón nhận nhiều đoàn cứu trợ nhưng chưa doanh nghiệp nào ủng hộ nhiều và cách làm nhiệt tình, thiết thực như Hòa Phát. Đảng bộ, nhân dân xã chúng tôi rất cảm ơn Hòa Phát”. Được biết, xã Hương Hóa có 6 thôn với 740 hộ.
Đoàn tặng quà tại xã Hương Hóa - Quảng Bình
Theo kế hoạch, đoàn đi thăm, tặng quà cho trường THCS Hương Hóa và một số gia đình tại thôn Tân Đức 2, Tân Đức 3 – hai thôn được hưởng chế độ 135 và bị ngập nặng nhất xã Hương Hóa. Gia đình để lại niềm thương cảm sâu sắc với đoàn là nhà anh Cao Sỹ Nhiệm, thôn Tân Đức 2. Lũ đã cuốn hết đồ đạc trong nhà, thóc gạo, lúa giống,…Sau khi lũ rút, nhà anh chỉ còn trơ lại những ván gỗ ghép. 4 đứa con của vợ chồng anh vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền ăn học. Bản thân anh Nhiệm cũng đi khai thác đá thuê với thu nhập vỏn vẹn 20.000 đồng/ngày. Và còn nhiều gia đình khác nữa có hoàn cảnh tương tự như gia đình chị Cao Thị Huyền, chị Đinh Thị Lý, anh Nguyễn Tân Hiếu (thôn Tân Đức 3),…
Đồ đạc sót lại sau lũ của gia đình anh Nhiệm - thôn Tân Đức 2
Cũng trong sáng 6/11 đoàn cứu trợ của Tập đoàn Hòa Phát đã tặng quà cho 140 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sau lũ tại xã Thanh Hóa, với tổng giá trị gần 100 triệu đồng, đồng thời tặng 1800 cuốn vở học sinh, bút bi và bút chì cho trường THCS Thanh Hóa. Theo ông Hoàng Quang Tiếp – Chủ tịch xã, toàn xã có 1500 hộ thì có 475 hộ bị ngập ngang mái nhà, 300 hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hai đợt lũ vừa qua đã cướp đi sinh mạng của 5 người trong xã. Đoàn đã gửi 20 triệu đồng cho UBND xã, một phần là trợ giúp thêm cho các gia đình có người mất trong lũ, và khôi phục các công trình công cộng, trường trạm.
Tặng quà tại xã Thanh Hóa - Tuyên Hóa
Tại xã Thanh Hóa, thương tâm nhất là trường hợp của anh Lê Thanh Liêm. Trong lúc di chuyển đồ đạc tránh lũ đã bị lũ cuốn trôi, để lại đứa con gái mới 10 tuổi. Hiện cháu bé đang sống với bà nội đã 57 tuổi. Cảnh hai bà cháu đầu đội khăn tang trắng tới nhận quà làm tất cả các thành viên trong đoàn hết sức xót xa. Cám cảnh không kém là 3 anh em nhà anh Hoàng Văn Viên, thôn 4. Cả 3 anh em đều bị mù lòa, hiện sống cùng bà mẹ già với khoản trợ cấp 360 ngàn/người mỗi tháng. Hai trong số 3 người đã dắt tay nhau đến nhận quà cứu trợ, vừa đi vừa dò đường không khỏi làm người khác động lòng thương cảm….
rận lũ lịch sử đã cướp đi tính mạng chồng chị Trần Thị Liễu, cha của 3 đứa con nhỏ- Thôn Kim Chung, Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa
Ngay sau khi trao quà cho nhân dân xã Thanh Hóa, đoàn công tác đã cùng ông Lương Thái Bình – Chủ tịch MTTQ huyện Tuyên Hóa đi thăm và tặng quà cho 2 gia đình có người thân bị thiệt mạng do lũ tại xã Kim Hóa, mỗi gia đình 3 triệu đồng.
Chuyến công tác thành công và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho các thành viên trong đoàn. Được tận mắt chứng kiến, trò chuyện với bà con vùng lũ, những thành viên Hòa Phát đã phần nào hiểu những mất mát cả về tài sản và tính mạng mà đồng bào miền Trung phải hứng chịu. Ai cũng thấm mệt nhưng cả đoàn đều vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ mà Tập đoàn và CBCNV giao phó, trực tiếp góp phần giúp nhân dân Hà Tĩnh, Quảng Bình vơi đi khó khăn và từng bước ổn định cuộc sống, vui vì ngay cả những xã vùng sâu, vùng xa cũng biết đến thương hiệu và sử dụng sản phẩm của Hòa Phát.
Nguyễn Nghi